Rất nhiều người đã tỏ ra vô cùng lo lắng và hoang mang khi thấy mình gặp phải tình trạng không ho nhưng khạc ra máu. Để biết được vấn đề này có thực sự nguy hiểm hay không và cách chữa trị bệnh như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết dưới đây.

Không ho nhưng khạc ra máu là biểu hiện của bệnh gì?

Khạc đờm ra máu nhưng không có ho là hiện tượng người bệnh có dính đờm và các dịch nhầy trong cổ họng nhưng trước đó không có triệu chứng ho. Khạc đờm giống như một phản xạ của cơ thể để tống đờm ra ngoài và thấy đờm có màu đỏ tươi hoặc hồng của máu.

Khạc đờm ra máu có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp và tuần hoàn máu phổi, mức độ nặng hay nhẹ phụ thuộc vào bệnh căn nguyên gây ra triệu chứng. Có thể kể đến một số căn nguyên nổi bật như:

Không ho nhưng khạc ra máu có thể do nhiễm trùng họng
  • Tổn thương đường hô hấp trên bao gồm miệng, mũi, họng, gây ra bởi viêm mũi dị ứng, viêm xoang, nhiễm trùng họng kéo dài khiến đường hô hấp bị phù nề, xung huyết. Lâu ngày, các mạch máu tại vùng mũi họng sẽ bị nứt vỡ gây chảy máu từ đó dẫn tới hiện tượng có máu trong đờm. Những bệnh nhân này sẽ khạc ra đờm có máu mà không hề bị ho.
  • Một số bệnh nhân bị chảy máu cam hoặc nhầy mũi có dính máu, khi nuốt nước mũi xuống họng và khạc ra đường miệng cũng sẽ thấy đờm có dính máu.
  • Hoặc trong một số trường hợp khác, khạc ra máu nhưng không ho có thể là do các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, ví dụ như: bệnh nhân bị trào ngược dạ dày – thực quản, axit dịch vị có thể dâng lên ăn mòn gây tổn thương niêm mạc họng, phù nề xung huyết khiến người bệnh nôn khạc ra máu. Khi có biểu hiện này thường bệnh nhân đã bị trào ngược ở giai đoạn nặng.
  • Bên cạnh đó, không ho nhưng khạc ra máu còn có thể gặp trên một số bệnh nhân có rối loạn về đông máu và chảy máu.

Khạc đờm ra máu có nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của triệu chứng. Khi ở giai đoạn đầu, bệnh mới chớm xuất hiện, chỉ cần theo dõi và xử lý nguyên nhân thì triệu chứng sẽ tự biến mất.

Tuy nhiên nếu khạc đờm ra máu kéo dài dai dẳng, có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, gầy sút, và đồng thời với đó là sự tiến triển nặng thêm của bệnh căn nguyên.

Thường thì khi khạc ra máu nhưng không ho thì bệnh căn nguyên sẽ ít nguy hiểm hơn là có kèm theo ho. Mặc dù vậy, chính vì không có biểu hiện gì trước nên người bệnh thường có suy nghĩ chủ quan.

Chỉ đến khi khạc ra máu người ta mới quan tâm đến bệnh và lúc đó bệnh căn nguyên hầu như đã đều ở giai đoạn khá nặng. Do vậy việc phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị là vô cùng cần thiết.

Cách điều trị khạc đờm ra máu nhưng không ho

Để điều trị tốt chứng khạc ra máu, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có uy tín để được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán xem biểu hiện này là do bệnh lý nào gây ra, để từ đó đưa ra biện pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.

Với các trường hợp khạc ra máu do nhiễm trùng đường hô hấp dẫn tới phù nề, xung huyết, người bệnh có thể dùng kháng sinh để trừ khuẩn kết hợp với các thuốc có tác dụng chống viêm, tiêu sưng để giảm phù nề. Đồng thời cần sử dụng các thuốc điều trị bệnh căn nguyên (viêm xoang, viêm mũi dị ứng) giúp loại bỏ triệt để triệu chứng.

Còn nếu nguyên nhân dẫn đến khạc ra máu là do trào ngược dạ dày – thực quản, cần tiến hành điều trị bệnh trào ngược bằng thay đổi lối sống kết hợp với các thuốc chuyên khoa theo liệu trình của bác sĩ. Khi bệnh khỏi đồng nghĩa với việc triệu chứng nôn khạc ra máu sẽ không còn nữa.

Người bệnh cần thường xuyên vệ sinh mũi

Bên cạnh đó, trong thời gian điều trị, người bệnh cần lưu ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày:

  • Nên ăn các thức ăn lỏng, dễ nuốt để tránh gây đau và trầy xước thêm vết thương ở niêm mạc họng.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày giúp làm loãng đờm và các chất nhầy để dễ tống đờm ra khỏi họng.
  • Tránh tiếp xúc với các dị nguyên là nguồn cơn của đợt bùng phát viêm mũi dị ứng.
  • Ngoài ra, cần lưu ý vệ sinh mũi thường xuyên nếu có biểu hiện viêm, súc miệng họng hàng ngày bằng nước muối loãng để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Điều quan trọng là hãy tuyệt đối nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ để được điều trị một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Như vậy, qua bài viết này, người đọc đã có thể nắm bắt được chứng không ho nhưng khạc ra máu là biểu hiện của những bệnh lý gì và cách xử lý triệu chứng đó ra sao, để không còn hoang mang, lo lắng khi đứng trước tình trạng này. Hi vọng người bệnh hãy thật sự lắng nghe cơ thể để biết mình đang gặp vấn đề gì, từ đó phát hiện bệnh sớm và sẽ không tốn nhiều thời gian, công sức chữa trị bệnh.