Thận ứ nước độ 1 không có sỏi là giai đoạn đầu, thuộc nhóm các bệnh lý của đường tiết niệu. Mức độ bệnh chưa gây nguy hiểm nhưng làm cho người mắc phải có tâm lý lo lắng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn một số kiến thức về bệnh lý thận ứ nước này.

Thận ứ nước độ 1 không có sỏi là gì?

Tìm hiểu về thận ứ nước

Thận ứ nước là gì?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu thận ứ nước là bệnh gì? Đây là hậu quả của tình trạng tắc nghẽn đường niệu do các nguyên nhân tại chỗ và bên ngoài hệ tiết niệu gây ra. Hậu quả là nước tiểu không xuống được bàng quang, bị ứ lại phía trên vị trí bít tắc. Khi đó nước tiểu di chuyển tới các ống thận, đài bể thận làm căng giãn và tăng áp lực lên các cấu trúc tại thận.

Tùy vào nguyên nhân mà thận ứ nước có thể xảy ra ở một hoặc hai bên thận. Áp lực cao trong thận kéo dài làm tổn thương các tế bào tại thận và làm thận suy giảm, mất chức năng. Các mô sẹo sẽ được thay thế các mô cơ bình thường của niệu quản làm tổn thương thận không thể hồi phục. 

Bệnh xảy ra ngẫu nhiên, bít tắc thường từ từ và không có dấu hiệu lâm sàng. Người bệnh chỉ phát hiện ra khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc là khi bệnh tiến triển nặng gây ra cơn đau quặn thận, đau thắt lưng làm khó chịu phải đến viện khám.

Thận ứ nước độ 1 không có sỏi là tình trạng như thế nào?

Theo hình ảnh siêu âm, thận ứ nước chia làm 3 độ (độ 1, độ 2, độ 3). Trong đó độ 1 được coi là giai đoạn đầu của bệnh, ít nguy hiểm nhất, có khả năng hồi phục. Đây có thể là tình trạng sinh lý trong các trường hợp như tăng bài niệu, thai kỳ quý III, bàng quang căng. Thận ứ nước độ 1 được mô tả như sau:

  • Sự tích tụ nước tiểu hình thành dải trống âm từ đỉnh tháp Malpighi quy tụ về bể thận, dẫn tới hình ảnh tách nhau của thành các đài bể thận.
  • Các đài thận có đáy cong lõm ra phía ngoài.
  • Đường kính trước-sau bể thận nhỏ hơn 3cm.

Thận ứ nước độ 1 không có sỏi, có thể hiểu đây là tình trạng bệnh như đã mô tả ở trên và nguyên nhân không do sỏi gây ra. Vậy chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở phần tiếp theo.

Nguyên nhân gây ra bệnh thận ứ nước độ 1 không có sỏi

Do sự bít tắc chỗ nối bể thận và niệu quản 

  • Sự bất thường cấu trúc bẩm sinh như vị trí niệu quản vào bể thận cao hơn bình thường, rối loạn sự phát triển các cơ niệu quản.
  • Sa thận dẫn tới xoắn điểm nối niệu quản với bể thận.
  • Có cục máu đông tại chỗ nối bể thận và niệu quản.

Do sự bít tắc dưới chỗ nối bể thận và niệu quản 

  • U, cục máu đông trên đường đi của niệu quản.
  • Hẹp niệu quản nguyên phát (dị tật bẩm sinh) hoặc thứ phát (chấn thương, nhiễm khuẩn, xạ trị, phẫu thuật).
  • Rối loạn thần kinh, cơ chi phối cho niệu quản.
  • Sự chèn ép do phì đại tiền liệt tuyến. 
  • Ung thư các cơ quan vùng chậu.
  • Thoát vị niệu quản. 

Do sự trào ngược nước tiểu trong bàng quang lên niệu quản

Bình thường, nước tiểu từ bàng quang không thể trào ngược lại niệu quản do cơ chế của van nắp túi giúp chống chống trào ngược. Khi người bệnh có dị tật bẩm sinh như thiếu van ngăn, dị dạng niệu quản hay túi phình niệu quản… sẽ tạo điều kiện cho nước tiểu trào ngược lại niệu quản.

Thận ứ nước độ 1 trong quý III của thai kỳ

Thận ứ nước độ 1 không có sỏi có thể do sự chèn ép của từ cung khi mang thai vào niệu quản.

Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, thai nhi phát triển vượt trội về thể chất để chuẩn bị cho sự ra đời. Cùng với đó là sự to ra của tử cung để bao bọc thai nhi, tử cung to chèn ép vào niệu quản làm chặn dòng chảy của nước tiểu xuống bàng quang, gây nên thận ứ nước. Bên cạnh đó sự thay đổi nội tiết tố cũng ảnh hưởng tới nhu động của dòng nước tiểu từ niệu quản đổ vào bàng quang. 

Trường hợp này có thể gây ra thận ứ nước độ 1 cả hai bên thận. Nó tự khỏi khi thời kỳ mang thai kết thúc.

Triệu chứng của thận ứ nước độ 1 không có sỏi

Với thận ứ nước độ 1 không có sỏi, các triệu chứng lâm sàng thường mơ hồ, không rõ ràng và dễ bỏ qua. Thông thường, người bệnh có cảm giác tức nặng mạn sườn bên thận bị ứ nước. Lượng nước tiểu thải ra ngoài ít hơn dù lượng nước cung cấp vào cơ thể vẫn như bình thường. Do nguyên nhân không có sỏi nên ít khi xuất hiện biểu hiện đau quặn của cơn đau quặn thận. 

Trong trường hợp bít tắc do nhiễm khuẩn, người bệnh có thể sốt, mệt mỏi, tiểu buốt, tiểu rắt, căng tức bàng quang, vùng hạ vị. 

Nói chung các triệu chứng của thận ứ nước độ 1 không có sỏi thường không nguy hiểm và người bệnh chủ quan bỏ qua. Nhưng đây là các dấu hiệu cảnh báo sớm nên được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Cách chữa thận ứ nước độ 1 không có sỏi

Để điều trị thận ứ nước độ 1 không có sỏi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Cách điều trị triệt để nhất đó là làm giảm hay loại bỏ nguyên nhân gây bít tắc đường niệu. Tùy vào từng nguyên nhân mà bác sĩ có các chỉ định điều trị khác nhau. Ví dụ với bít tắc do nhiễm khuẩn thì nguyên tắc điều trị sẽ là điều trị ổ nhiễm khuẩn bằng kháng sinh, chống viêm. Với nguyên nhân là phì đại tiền liệt tuyến hoặc ung thư thì điều trị bằng phẫu thuật, liệu pháp hormon… 

Như vậy, khi người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ nên tới cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện sớm thận ứ nước độ 1 không có sỏi. Tại đây người bệnh được điều trị theo đúng phác đồ nhằm giảm biến chứng nguy hiểm sau này, nhất là suy thận.