Nhiễm trùng đường ruột là một bệnh lý đường ruột phổ biến hiện nay. Vậy tại sao nó lại phổ biến đến vậy, nguyên nhân là gì và điều trị ra sao?
Mục lục:
Triệu chứng nhiễm trùng đường ruột
Chắc hẳn mọi người ai cũng đã từng một lần trong đời gặp phải tình trạng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Đó là các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường ruột.
Các tác nhân gây nhiễm trùng sau khi xâm nhập sẽ tác động lên đường ruột gây ra các triệu chứng:
- Chán ăn: Người bệnh giảm hoặc không có cảm giác muốn ăn.
- Đau bụng: Đây là triệu chứng phổ biến hầu như các bệnh đường tiêu hóa đều có. Nhiễm trùng đường ruột thường đau bụng vùng quanh rốn, đau âm ỉ hoặc quặn từng cơn.
- Tiêu chảy: Khi các tác nhân xâm nhập làm tổn thương đường ruột sẽ gây nên tình trạng tăng lượng dịch đột ngột trong phân gây nên triệu chứng tiêu chảy, phân lỏng, đi ngoài nhiều lần trong ngày. Tùy vào tác nhân gây bệnh mà tính chất của phân sẽ khác nhau, có thể phân lỏng nước, hoặc phân nhầy hoặc phân nhầy lẫn máu.
- Buồn nôn, nôn: Có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn. Các triệu chứng nôn và tiêu chảy nhiều sẽ gây mất nước.
- Kèm theo đó có các triệu chứng của tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: Háo nước, mắt trũng, môi khô, hạ huyết áp…
- Biểu hiện tình trạng nhiễm khuẩn: Lưỡi bẩn, hơi thở hôi, sốt.
Nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột
Nhiễm trùng đường ruột thường hay xảy ra ở người già, trẻ em và những người suy giảm miễn dịch do sức đề kháng giảm làm cho các tác nhân gây bệnh dễ dàng xâm nhập và hoạt động.
Nguyên nhân gây bệnh do các tác nhân như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng xâm nhập vào hệ tiêu hóa qua nhiều con đường khác nhau và các độc tố do chúng tiết ra sẽ làm tổn thương, tác động đến sinh lý đường ruột gây ra tình trạng nhiễm khuẩn.
- Con đường xâm nhập của mầm bệnh hay gặp nhất là qua đường ăn uống.
- Các loại thức ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm, để lâu ngoài môi trường, không được nấu chín chứa nhiều vi khuẩn.
- Thực phẩm bẩn: Các loại thịt không được kiểm định, quy trình làm thịt và bảo quản không vệ sinh, các loại rau được phun hóa chất hay tưới bằng loại nước bẩn.
- Ăn sống: Các loại rau ăn sống, gỏi thường có nhiều ký sinh trùng
- Không vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn: Vi khuẩn từ tay dễ dàng theo đường ăn để xâm nhập vào.
- Nguồn nước ô nhiễm
- Dụng cụ đựng thức ăn bẩn
- Khi mắc các bệnh lý nhiễm trùng cơ quan khác như nhiễm khuẩn hô hấp các vi khuẩn đó có thể xâm nhập vào đường tiêu hóa để gây bệnh.
Cách chữa trị
Cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị tránh các biến chứng nặng nề có thể xảy ra, không được tự ý dùng thuốc khi không có hướng dẫn của bác sĩ. Để điều trị hiệu quả thì sự hợp tác của người bệnh rất quan trọng trong việc thực hiện đúng nguyên tắc.
Việc điều trị nhiễm trùng đường ruột phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh. Điều trị chủ yếu là điều trị theo nguyên nhân và điều trị triệu chứng.
Điều trị nguyên nhân
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng.
- Nếu nguyên nhân do virus: Không cần dùng kháng sinh cũng sẽ tự khỏi khi đảm bảo bù lượng nước mất đi hợp lý.
- Nếu do vi khuẩn, ký sinh trùng: Dùng kháng sinh phù hợp với loại vi khuẩn gây bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Điều trị các nhiễm khuẩn khác mắc phải.
Điều trị triệu chứng
Chủ yếu nhiễm khuẩn đường ruột thường gây ra tiêu chảy, đây là tình trạng phổ biến và nếu tiêu chảy diễn ra kéo dài và nhiều sẽ gây mất nước, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên có một thực trạng nghiêm trọng thường xảy ra là đa số mọi người khi gặp tình trạng tiêu chảy thường sử dụng thuốc cầm ỉa mà không đi khám và điều này rất nguy hiểm.
Điều trị triệu chứng nhiễm trùng đường ruột chủ yếu là đảm bảo không gây mất nước nghiêm trọng và bù nước, điện giải mất đi hợp lý, tuyệt đối không dùng thuốc cầm ỉa khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.
- Truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ khi cần
- Bổ sung nước bằng đường uống: Oresol, hoa quả, nước dừa, nước lọc, nước cam…
- Nâng cao sức đề kháng: Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Đối với trẻ em không nên cho trẻ uống các loại sữa công thức chứa nhiều đường lactose, nó sẽ làm cho tình trạng tiêu chảy nặng nề hơn.
Lưu ý: Khi uống oresol để bù nước hiệu quả phải pha theo đúng tỉ lệ được hướng dẫn. Nếu nôn nhiều nên uống từng ít một.
Ngoài ra có thể dùng thêm các loại thuốc hỗ trợ như men tiêu hóa, kẽm..
Nhiễm trùng đường ruột ở người lớn
Ở người lớn, nhiễm trùng đường ruột hay gặp ở người già và những người suy giảm miễn dịch như: Cắt dạ dày, mắc các bệnh mãn tính , AIDS,..
Các triệu chứng xảy ra ở người lớn thường ít rầm rộ hơn ở trẻ em do hệ tiêu hóa ở người lớn hoàn thiện hơn, tuy nhiên cũng không thể chủ quan bởi các triệu chứng đó xảy ra kéo dài cũng sẽ gây ra các biến chứng nặng nề hơn
Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ em
Ở trẻ em, nhiễm trùng đường ruột thường gặp ở những trẻ nhũ nhi, 1-5 tuổi, những trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ và ở những lứa tuổi này các triệu chứng sẽ nặng nề hơn nếu không kịp thời chữa trị.
Bệnh cảnh của nhiễm trùng đường ruột ở trẻ em cũng đa dạng hơn, có thể gây ra tình trạng tiêu chảy cấp, lỵ, dễ lây lan thành dịch. Cần phải theo dõi sát tình trạng của trẻ về hoạt động vui chơi, ý thức để phát hiện và phòng tránh các biến chứng do mất nước gây ra. Việc điều trị ở trẻ em cũng tương tự như với người lớn, không nên cho trẻ uống các loại sữa công thức chứa nhiều đường lactose và các loại bánh kẹo.
Biện pháp phòng tránh
Để phòng tránh nhiễm trùng đường ruột chúng ta phải hạn chế cũng như ngăn chặn các con đường xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.
- Ăn uống hợp vệ sinh: Ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu.
- Thực phẩm đảm bảo sạch, không chứa các chất gây độc, an toàn vệ sinh thực phẩm: Các loại thịt đã được các cơ quan thẩm định, rau sạch.
- Đảm bảo nguồn nước và cách chế biến thức ăn hợp vệ sinh.
- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Giữ vệ sinh các dụng cụ đựng thức ăn
- Tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe: Ăn nhiều các loại rau củ quả có khả năng tăng sức đề kháng như cam, bưởi,…, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu. Với trẻ đã ăn dặm cần cho trẻ ăn dặm hợp lý theo độ tuổi và hợp vệ sinh.
- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là một bài toán khó nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế hiện nay. Chính vì vậy mà nhiễm trùng đường ruột đang ngày càng có xu hướng gia tăng và phổ biến. Những hiểu biết về bệnh và các cách phòng tránh đơn giản trên sẽ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát về cách chữa trị và góp phần giảm thiểu, cải thiện tình trạng mắc bệnh hiện nay.
Y Sĩ Phạm Thị Ngọc Ngân tốt nghiệp loại giỏi trường Trung Cấp Y Tế Bắc Giang năm 2013 là một người am hiểu về các bệnh dạ dày, thận hiện tại đang là tác giả, chịu trách nhiệm nội dung các bài viết liên quan tới bệnh dạ dày và thận trên trang cuusaola.vn