Chắc hẳn ai trong chúng ta có con nhỏ cũng đã từng phải lo lắng vì những ngày con bị viêm họng. Trẻ bị viêm họng nhưng không ho hay ho tùy từng tình trạng bệnh và từng bé. Có nhiều mẹ chắc rằng viêm họng thì phải ho, vậy không ho thì sao?
Mục lục:
Nguyên nhân trẻ bị viêm họng nhưng không ho
Viêm họng là một bệnh rất phổ biến ở trẻ em bởi vì nhiều yếu tố nguy cơ từ thói quen sinh hoạt, ăn uống đồ lạnh, dễ suy giảm sức đề kháng. Viêm họng có thể kèm theo triệu chứng ho hoặc không ho nhưng nguyên nhân đều giống nhau:
- Đa số nguyên nhân gây viêm họng ở trẻ em thường do virus ví dụ như virus cúm, virus á cúm, Adenovirus, virus hợp bào hô hấp…
- Nguyên nhân do vi khuẩn: Phế cầu,liên cầu, tụ cầu…
- Trẻ sơ sinh, đẻ non sức đề kháng yếu dễ bị ảnh hưởng các tác nhân gây bệnh.
- Thói quen ăn uống: Thường xuyên ăn uống đồ lạnh, không đảm bảo vệ sinh, chứa nhiều vi khuẩn…
- Môi trường sinh hoạt ô nhiễm, môi trường nhiều khói thuốc lá, bụi, trẻ thường xuyên nằm điều hòa.
- Thời tiết thay đổi: Thời điểm giao mùa, mùa đông.
- Vệ sinh răng miệng kém làm cho các vi khuẩn dễ xâm nhập.
- Viêm họng, viêm amidan cấp tính.
Trẻ bị viêm họng nhưng không ho có sao không?
Thực tế ho là một phản xạ có lợi của cơ thể chúng ta giúp đẩy ra ngoài các vật thể gây kích thích như đờm, dị vật, tuy nhiên viêm họng thường ho khan do kích thích niêm mạc họng gây ngứa họng và gây ho.
Tuy nhiên các mẹ không cần lo lắng khi con bị viêm họng nhưng lại không ho. Trẻ có các triệu chứng của viêm họng như đau họng, nuốt đau, rát họng, niêm mạc họng sưng đỏ, sốt … nhưng không có triệu chứng ho là điều hoàn toàn bình thường và không đáng ngại nếu đúng là viêm họng.
Việc ho hay không ho không phải điều kiện để chẩn đoán bệnh và quyết định mức độ nặng của bệnh, đó chỉ là một triệu chứng kèm theo.
Điều đáng quan tâm ở đây là tình trạng của bé như thế nào nhất là trong các đợt cấp tính như sốt (sốt có cao không, sốt liên tục hay không liên tục), trẻ đau họng có ăn uống được không? nôn không?…
Dù trẻ ho hay không ho thì những triệu chứng trên mới phản ánh được mức độ nặng của bệnh và trẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn đến các triệu chứng đó. Tuy nhiên để chắc chắn trẻ có bị viêm họng hay không thì các mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để khám.
Khi trẻ bị viêm họng phải làm sao?
Khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ viêm họng, nhất là trong các đợt cấp tính thường kèm theo sốt cao, việc đầu tiên cần làm là kẹp nhiệt độ cho bé và đưa bé đi khám. Không tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ.
Sau khi được khám và chẩn đoán chính xác hãy tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Và vì đa số viêm họng ở trẻ do virus và ngoài đợt cấp thì bệnh diễn tiến không rầm rộ, các mẹ có thể dự phòng và hỗ trợ điều trị cho bé bằng các biện pháp đơn giản tại nhà như:
- Cho trẻ thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý, tốt nhất là nước muối sinh lý 0,9 % hoặc pha theo đúng tỉ lệ: trước và sau khi ngủ dậy, sau khi ăn, …
- Theo dõi nhiệt độ, tâm trạng, hoạt động của trẻ, ăn uống.
- Trong đợt cấp của viêm họng trẻ thường sốt cao, nôn nên dẫn đến tình trạng mất nước, hãy cho trẻ uống thêm nước, oresol hoặc các loại nước trái cây bù nước điện giải tốt như nước dừa, nên uống từng ít một.
- Tránh cho trẻ ăn những loại thức ăn hay đồ uống lạnh, đồ cay: kem, đá, …
- Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nếu trẻ sơ sinh nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất là 6 tháng đầu, cho trẻ bú hoặc ăn nhiều lần nếu trẻ đau họng khó nuốt và dễ nôn.
- Bổ sung rau, củ, quả nhất là các loại hoa quả có khả năng nâng cao sức đề kháng, bổ sung vitamin: Cam, quýt, bưởi, lê…
- Vệ sinh răng miệng cũng như vệ sinh cá nhân cho bé đúng cách, sạch sẽ, thường xuyên.
- Vệ sinh môi trường xung quanh trẻ: Sàn nhà, dụng cụ ăn uống, nhà, cửa..
- Về mùa lạnh giữ ấm cho bé cẩn thận, đặc biệt là phần cổ, mũi, chân, hãy đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài…
- Không nên cho bé sinh hoạt trong môi trường có khói thuốc lá.
Các mẹ đừng lo lắng quá khi trẻ bị viêm họng nhưng không ho nhé, vì đó là một quan điểm sai lầm không có khoa học. Không nhất thiết cứ viêm họng là phải ho, có rất nhiều trường hợp viêm họng không ho và cũng không phải những trường hợp nào ho thì đều là viêm họng, các mẹ cũng không nên chủ quan với bệnh viêm họng của bé vì từ viêm họng nếu diễn biến kéo dài sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.
Y Sĩ Phạm Thị Ngọc Ngân tốt nghiệp loại giỏi trường Trung Cấp Y Tế Bắc Giang năm 2013 là một người am hiểu về các bệnh dạ dày, thận hiện tại đang là tác giả, chịu trách nhiệm nội dung các bài viết liên quan tới bệnh dạ dày và thận trên trang cuusaola.vn