Viêm loét dạ dày tá tràng bệnh học là những kiến thức về bệnh, nguyên nhân, triệu chứng hay nguy cơ mắc bệnh. Từ đó giúp mọi người có cái nhìn tổng quan hơn và phòng tránh cũng như chữa bệnh hiệu quả hơn
Mục lục:
Dịch tễ học viêm loét dạ dày tá tràng
Tỉ lệ mắc viêm loét dạ dày tá tràng ở các vùng miền, lứa tuổi và giữa các giới tính có sự khác biệt. Tìm hiểu về dịch tễ bệnh để biết rõ sự khác nhau thế nào.
- Tùy theo từng nước và từng khu vực mà tỉ lệ mắc bệnh thay đổi theo từng thời kỳ là khác nhau. Ở Châu Âu vào cuối thế kỷ 19, tỷ lệ mắc bệnh tăng và hay gặp ở phụ nữ hơn là nam giới. Đến thế kỷ 20, tỉ lệ loét dạ dày không tăng nhiều nhưng tỷ lệ loét tá tràng tăng và hay gặp hơn, lúc này tỉ lệ nam giới mắc phải lại cao hơn nữ giới. Hiện tại trên thế giới có khoảng 10-15% dân số mắc bệnh viêm loét.
- Đặc thù công việc cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh. Theo một nghiên cứu gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ở bộ đội là 6%. Với những nghề nghiệp có nhiều áp lực, nhiều lo lắng thì tỷ lệ mắc bệnh thường cao hơn.
- Những người hút thuốc lá, uống rượu bia tỷ lệ mắc bệnh cao hơn những người không sử dụng.
- Người sử dụng kháng sinh, kháng viêm kéo dài tỷ lệ mắc bệnh khá cao.
Cơ chế bệnh sinh của viêm loét dạ dày tá tràng là gì?
Viêm loét dạ dày, tá tràng hình thành do mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và yếu tố bảo vệ.
Yếu tố tấn công bao gồm:
- Pepsin và acid dịch vị dạ dày: Acid bào mòn niêm mạc dạ dày, pepsin làm giảm chất nhầy ở niêm mạc, gây ra các vết loét. Lượng acid càng cao thì vết loét càng rộng và sâu.
- Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Đây là loại vi khuẩn tiết ra các chất nhằm phá hủy niêm mạc dạ dày gây tổn thương niêm mạc và hình thành vết loét.
- Các thuốc kháng sinh, kháng viêm cũng gây rối loạn tiết acid dạ dày và tiết chất nhầy gây nên vết loét.
Yếu tố bảo vệ bao gồm:
- Các chất nhầy phủ trên niêm mạc dạ dày: Chất nhầy bao phủ lên toàn bộ bề mặt dạ dày để chống lại sự phân giải của axit, enzym tiêu hoá nhờ tính chất không thấm nước và protein của nó.
- HCO3: Giúp trung hòa acid, duy trì PH=7.
- Lượng máu đến niêm mạc dạ dày cung cấp oxy và các chất cần thiết để tăng tái tạo tế bào giúp niêm mạc khỏe mạnh hơn.
Nếu yếu tố tấn công và bảo vệ bị mất cân bằng, niêm mạc bị tổn thương sẽ gây ra vết loét trên bề mặt.
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng, sinh hoạt cá nhân không đều đặn, sử dụng chất kích thích hay sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm kéo dài đều là nguyên nhân gây bệnh
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP): Đây là tác nhân chính gây viêm loét dạ dày, tá tràng. Khi vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể sẽ chui vào lớp niêm mạc dạ dày, tiết chất độc gây phá hủy lớp niêm mạc dạ dày, sinh ra vết loét.
- Thường xuyên sử dụng các thuốc chống viêm giảm đau: Các thuốc chống viêm giảm đau làm ức chế tổng hợp prostaglandin – chất bảo vệ niêm mạc dạ dày. Đây là nguyên nhân nhiều thứ 2 gây bệnh
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây viêm loét dạ dày tá tràng như:
- Căng thẳng, lo âu: Yếu tố tâm lý có liên quan đến việc tiết acid niêm mạc.
- Ăn uống, sinh hoạt không điều độ: Thường xuyên thức khuya,bỏ bữa sáng, ăn đồ ăn cay nóng, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ làm tăng nguy cơ dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng.
Có rất nhiều nguyên nhân và nguy cơ gây viêm loét mà thông thường mọi người vô tình mắc phải. Vậy nếu không may mắc phải viêm loét thì sẽ có những triệu chứng như thế nào.
Triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng.
- Đau bụng vùng thượng vị: Đây là triệu chứng phổ biến và hay gặp nhất. Cảm giác đau vùng trên rốn, đau nhiều khi đói hoặc sau ăn 2-3 tiếng. Đau có thể âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn.
- Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn: Đây là một dấu hiệu cũng khá thường xuyên gặp phải, khi dạ dày bị tổn thương thì tiêu hóa cũng chậm và khó khăn hơn.
- Ợ hơi, ợ chua, nóng rát thượng vị: Ợ hơi, ợ chua hay gặp ở giai đoạn đầu khi mới mắc bệnh. Nóng rát thượng vị thì gặp nhiều hơn ở trào ngược dạ dày thực quản.
- Rối loạn tiêu hóa: Do dạ dày bị tổn thương nên việc tiêu hóa thức ăn trở nên khó khăn hơn. Người bệnh có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy.
Trên đây chỉ là những triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân có thể mắc phải, không thể dựa vào đây mà đưa ra chẩn đoán chính xác được.
Chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng bằng cách nào?
- Để chẩn đoán chính xác bệnh lý về dạ dày, không thể chỉ dựa trên những triệu chứng lâm sàng ở trên mà cần nội soi dạ dày để xác định tổn thương, vị trí loét và mức độ tổn thương của niêm mạc dạ dày. Việc nội soi có thể gây khó chịu cho người bệnh, tuy nhiên kết quả lại rất chính xác.
- Xét nghiệm xem có vi khuẩn HP trong dịch nhầy của dạ dày hay không để xác định chính xác nguyên nhân mắc bệnh, điều trị cho hiệu quả nhất.
- Xét nghiệm máu để xem bệnh nhân có bị thiếu máu do viêm loét dạ dày hay không.
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng khó lường, nguy hiểm.
Những biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng
- Thủng dạ dày- tá tràng: Khi niêm mạc bị bào mòn dần, vết loét bị tổn thương đến mức thủng sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu không cấp cứu kịp thời. Khi đó, người bệnh sẽ đột ngột thấy đau bụng dữ dội.
- Xuất huyết tiêu hóa: Khi dạ dày, tá tràng bị tổn thương, vết loét bị chảy máu. Quan sát sẽ thấy máu đen ở phân hoặc nôn ra máu kèm theo triệu chứng chóng mặt, choáng váng. Nếu lượng máu bị mất quá nhiều sẽ rất nguy hiểm.
- Hẹp môn vị: Là hiện tượng hẹp lòng ruột ngay dưới dạ dày khi các mô xung quanh vết loét phát triển, làm cho thức ăn đi qua đường tiêu hóa một cách khó khăn. Nôn mửa, đầy bụng và sút cân nhanh là một trong những triệu chứng khi bị hẹp môn vị.
Các biến chứng của viêm loét dạ dày rất nguy hiểm nên khi có dấu hiệu của viêm loét dạ dày hãy đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Vậy điều trị như thế nào để hiệu quả nhất?
Cách điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng
Viêm loét dạ dày tá tràng cần điều trị sớm, kịp thời nếu không sẽ gây ra những biến chứng khó lường. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Một số biện pháp điều trị như:
- Điều trị bằng thuốc: Bệnh nhân thường được kê thuốc có tác dụng trung hòa acid dạ dày (antacid), đối thuốc đối kháng thụ thể (ranitidine) hay thuốc ức chế bơm proton (omeprazole), những thuốc này có tác dụng giảm tiết acid dạ dày hoặc bảo vệ niêm mạc dạ dày giúp nhanh chóng phục hồi tổn thương ở vết loét.
- Đối với loét dạ dày tá tràng do dùng thuốc kháng sinh kháng viêm kéo dài, thì cần ngưng ngay việc sử dụng thuốc hoặc giảm liều lượng, đồng thời sử dụng các thuốc thuộc nhóm PPI để điều trị. Nếu việc điều trị kháng sinh và kháng viêm là đang cần thiết thì có thể cân nhắc đổi sang loại khác không có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng.
Xem thêm: Cách chữa loét dạ dày bằng 4 phương pháp tự nhiên
Để việc điều trị loét dạ dày tá tràng là hiệu quả thì việc thay đổi lối sống và thói quen ăn uống sinh hoạt lành mạnh là vô cùng cần thiết.
- Không thức khuya thường xuyên, không bỏ bữa.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia hay sử dụng các chất kích thích vì đây là nguy cơ gây viêm loét dạ dày tá tràng.
- Không ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế các đồ ăn cay nóng.
- Khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh thì đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Bên trên là những thông tin cần biết về viêm loét dạ dày tá tràng bệnh học: nguyên nhân, có chế bệnh sinh, triệu chứng, cách điều trị và lối sống sinh hoạt lành mạnh cần có.
Bệnh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và nếu không điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Vì vậy, mọi người lưu ý tạo cho mình một thói quen ăn uống sinh hoạt lành mạnh và nếu có dấu hiệu nào của viêm loét dạ dày tá tràng thì đến ngay cơ sở y tế để điều trị sớm.
Y Sĩ Phạm Thị Ngọc Ngân tốt nghiệp loại giỏi trường Trung Cấp Y Tế Bắc Giang năm 2013 là một người am hiểu về các bệnh dạ dày, thận hiện tại đang là tác giả, chịu trách nhiệm nội dung các bài viết liên quan tới bệnh dạ dày và thận trên trang cuusaola.vn