Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng thận hư là những dấu hiệu để chẩn đoán xác định hội chứng thận hư. Vậy những tiêu chuẩn đó là gì? Cùng tìm hiểu bài sau đây để có được câu trả lời cụ thể.
Mục lục:
Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng thận hư
Dưới đây là một số tiêu chuẩn cho các bác sĩ dựa vào để chẩn đoán xem bệnh nhân có bị hội chứng thận hư hay không:
Xuất hiện dấu hiệu sưng, phù
Sưng, phù là tiêu chuẩn đầu tiên để chẩn đoán hội chứng thận hư. Triệu chứng phù này xuất hiện rất nhanh, đôi khi có thể xuất hiện một cách đột ngột từ vài giờ đến vài ngày. Cũng có lúc chúng xuất hiện một cách từ từ vài tuần đến vài tháng.
Bệnh nhân thông thường bị phù ở mặt trước rồi sau đó lan ra phù toàn thân, vùng bụng, mắt cá chân, các chi,… Tình trạng phù này có đặc điểm mềm, ấn lõm, màu trắng và không gây đau.
Hiện tượng sưng, phù toàn thân có thể gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim và tràn dịch màng bụng khiến bệnh nhân bị khó thở, tức ngực, mệt mỏi.
Lượng protein trong nước tiểu > 3.5g/24h
Khi mắc hội chứng thận hư, bệnh nhân thường tiểu ít, lượng nước tiểu trong ngày chỉ dưới 500ml. Cùng với đó là nước tiểu bị đục và có bọt do có chứa protein, tế bào, mỡ. Đôi khi người bệnh còn có thể đi tiểu ra máu. Xét nghiệm định lượng protein niệu thì cho kết quả > 3.5g/24h. Đây là tiêu chuẩn quan trọng và bắt buộc khi chẩn đoán xác định hội chứng thận hư.
Lượng protein trong máu < 60g/lít và albumin trong máu < 30g/lít
Đây cũng là một tiêu chuẩn bắt buộc trong chẩn đoán bệnh này. Người mắc hội chứng thận hư khi xét nghiệm sẽ có hàm lượng protein máu giảm dưới 60g/l và albumin máu giảm dưới 30g/l.
Cholesterol máu tăng ≥ 6.5 mmol/lít
Khi mắc hội chứng thận hư, xét nghiệm máu cho thấy lipid trong máu tăng mà chủ yếu là Cholesterol, Triglyceride và LDL-C. Ở người bình thường, nồng độ cholesterol máu toàn phần dưới 5.2mmol/l còn người mắc hội chứng thận hư tăng cao trên 6.5mmol/l. Với chỉ số cholesterol tăng cao như vậy có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là dễ mắc các bệnh về tim mạch.
Có xuất hiện trụ mỡ, hạt mỡ, thể chiết quang trong nước tiểu
Ở người khỏe mạnh, nước tiểu sau khi được lọc ở cầu thận, các hạt mỡ sẽ được tái hấp thu và nằm trong bào tương của tế bào ống thận gần. Khi nước tiểu có sự xuất hiện của các hạt mỡ, trụ mỡ có thể cho thấy màng đáy cầu thận bị tổn thương, khả năng thấm hạt mỡ đã bị suy giảm. Các trụ mỡ có thể gặp ở dạng hình bầu dục hoặc thể chiết quang.
Một số triệu chứng khác của hội chứng thận hư
- Tăng cân do tích tụ nước trong cơ thể.
- Màu sắc da nhợt nhạt, bầm tím cho bị thiếu máu và giảm tiểu cầu.
- Hay buồn nôn.
- Huyết áp tăng cao và khó kiểm soát.
- Không còn cảm giác thèm ăn.
Các biến chứng của hội chứng thận hư
- Nhiễm khuẩn
- Tắc nghẽn mạch máu
- Biến chứng về tim mạch
- Thiếu máu
- Suy thận cấp
- Tràn dịch đa màng
- Suy dinh dưỡng ở người lớn, chậm phát triển ở trẻ em
- Thay đổi hormone, khoáng chất
- Lồng ruột
Thuốc điều trị hội chứng thận hư
Bệnh nhân bị mắc hội chứng thận hư có thể uống các loại thuốc để điều trị triệu chứng như: thuốc lợi tiểu, thuốc Steroid, thuốc kháng sinh Penicillin, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống tụ máu…
Tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc trên khác nhau. Bạn cần tuân thủ liều lượng và dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ để cải thiện tình trạng bệnh một cách tốt nhất.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người mắc hội chứng thận hư
Ngoài việc điều trị bằng thuốc thì chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bệnh nhân được bổ sung các chất bị thiếu hụt và bồi bổ cơ thể để chống lại bệnh tật.
- Làm giảm lượng cholesterol trong máu bằng cách sử dụng các loại thịt nạc, cá, tôm, rau củ,…
- Hạn chế các loại thức ăn có chứa nhiều cholesterol như trứng, đồ ăn nhanh, đồ hộp, nội tạng động vật,… Nên bổ sung nguồn chất béo có lợi như omega3 có nhiều trong dầu cá, cá trích, cá hồi, cá ngừ,…
- Bù đắp đủ số lượng protein đã mất qua nước tiểu và không được vượt quá số lượng đó vì có thể gây suy thận và xơ hóa cầu thận. Bổ sung các loại thực phẩm như: thịt, cá, sữa, tôm, cua, đậu, tinh bột,…
- Hạn chế thức ăn nhiều nước, nhiều muối để giảm phù và ổn định huyết áp.
- Nên bổ sung các chất như beta-carotene, vitamin C, E, Selenium để làm giảm các gốc tự do, tăng sức đề kháng. Các chất này chứa nhiều trong cà rốt, đu đủ chín, cam, nho, bưởi, xoài, đào, giá đỗ, rau xanh,…
Tóm lại, hội chứng thận hư là một bệnh khá nguy hiểm. Chính vì vậy mà cần có các tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng thận hư để dễ dàng xác định được bệnh. Bạn cũng nên chú ý các triệu chứng khác của bệnh để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Y Sĩ Phạm Thị Ngọc Ngân tốt nghiệp loại giỏi trường Trung Cấp Y Tế Bắc Giang năm 2013 là một người am hiểu về các bệnh dạ dày, thận hiện tại đang là tác giả, chịu trách nhiệm nội dung các bài viết liên quan tới bệnh dạ dày và thận trên trang cuusaola.vn