“Suy thận độ 2 sống được bao lâu?” là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra. Mỗi giai đoạn bệnh có mức độ nguy hiểm và tiên lượng tử vong khác nhau. Nhiều bệnh nhân suy thận độ 2 luôn tự hỏi liệu mình còn sống được bao lâu. Nếu đây cũng là nỗi băn khoăn của bạn, hãy theo dõi bài viết dưới đây.

Suy thận độ 2 sống được bao lâu?

Nhiều người sau khi biết mình mắc bệnh suy thận luôn có tư tưởng mình chẳng còn sống được bao lâu, bệnh không thể chữa được. Tuy nhiên, quan điểm này có lẽ chỉ đúng nếu quay trở lại nhiều năm về trước. Tại sao vậy?

Người bị suy thận độ 2 sống được bao lâu?

Suy thận độ 2 là tình trạng chức năng thận bị suy giảm mức vừa, khoảng 50%. Mức lọc cầu thận trong khoảng 60 – 89 ml/phút, thận vẫn hoạt động tương đối bình thường.

Người bệnh gần như không cảm thấy triệu chứng bất thường hoặc chỉ hơi mệt mỏi nên rất khó phát hiện sớm. Chỉ khi làm các xét nghiệm hóa sinh như ure, creatinin, bệnh nhân mới phát hiện ra mình bị suy thận giai đoạn 2.

Nói như vậy nghĩa là suy thận độ 2 mới chỉ ở mức độ vừa phải, chưa quá phức tạp. Trước đây, khi chưa có những thuốc hay phác đồ điều trị đặc hiệu, tình trạng suy thận không được kiểm soát, ngày càng trở nên nặng hơn.

Có thể chỉ mất vài năm thậm chí vài tháng để tiến triển từ suy thận độ 2 sang giai đoạn cuối. Và không lâu sau đó, người bệnh sẽ tử vong nếu không được chăm sóc đúng cách.

Hiện nay, bệnh nhân suy thận được tư vấn chế độ dinh dưỡng đặc biệt, được điều trị bằng thuốc đặc hiệu cũng như máy móc hiện đại. Vì vậy, suy thận độ 2 hoàn toàn có thể được kiểm soát tốt nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Kiểm soát ở đây không phải là khỏi bệnh mà giữ bệnh nhân ở trạng thái gần như bình thường. Tuổi thọ người bệnh được kéo dài rất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm như những người lành bệnh.

Vì vậy nếu đang ở giai đoạn 2 suy thận, bạn cũng không cần quá lo sợ về việc mình còn sống được bao lâu. Điều bạn cần làm là tuân thủ điều trị một cách tốt nhất.

Điều trị suy thận độ 2 như thế nào hiệu quả?

Ở giai đoạn này, các triệu chứng biểu hiện còn chưa rõ ràng và hầu như không có biến chứng gì nghiêm trọng. Vậy nên, người suy thận độ 2 vẫn chưa phải tiến hành lọc máu ngoài thận, chủ yếu vẫn là điều trị bảo tồn, với các mục tiêu sau:

Điều trị triệt để hoặc kiểm soát tốt nguyên nhân

Nếu nguyên nhân là các tổn thương thực thể tại thận như viêm thận, sỏi thận, xơ hóa ống thận, bạn cần được chẩn đoán và điều trị bằng các thuốc đặc hiệu. Còn nếu nguyên nhân là các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bạn cần kiểm soát tốt các thông số huyết áp và đường huyết.

Kéo dài tiến triển của bệnh 

Người bệnh cần kiểm soát chế độ ure trong máu

Mục đích của nguyên tắc này là làm chậm quá trình diễn tiến sang các giai đoạn muộn. Người bệnh cần thường xuyên theo dõi các giá trị creatinin, ure máu, protein niệu. Đây là những yếu tố thúc đẩy tiến triển của bệnh nhanh hơn.

Ngăn ngừa các biến chứng thứ phát 

Một số biến chứng có thể xuất hiện như thiếu máu, loãng xương do rối loạn chuyển hóa canxi, photpho, tăng axit uric máu. Nếu được phát hiện sớm, bạn sẽ được tư vấn chế độ ăn hợp lý hoặc dùng các thuốc bổ sung sắt, canxi nếu cần. Ngoài ra, các chỉ số cholesterol, triglycerid máu phải được kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa biến chứng tim mạch.

Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học

Đây cũng là một mục tiêu rất quan trọng bởi các yếu tố môi trường, thói quen xấu cũng làm ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh. Một lối sống lành mạnh sẽ góp phần hỗ trợ điều trị, đẩy lùi bệnh nhanh hơn.

Người bị suy thận độ 2 cần lưu ý những gì?

Về chế độ ăn uống. Người bệnh ở giai đoạn này chưa cần quá hạn chế ăn đạm. Mỗi ngày, bạn có thể ăn 0,8 – 1 g protein/kg/ngày, trong đó nên sử dụng nguồn đạm có giá trị sinh học cao như lòng trắng trứng, sữa, cá, đậu nành. Bạn nên bổ sung thực phẩm giàu tinh bột, đường như gạo trắng, khoai, miến, mật ong,… Ngoài ra những thực phẩm chứa nhiều axit amin thiết yếu, omega – 3 cũng rất tốt: hạt ngũ cốc, óc chó, các loại cá nước mặn,…

Người bệnh cần hạn chế ăn nội tạng động vật

Bạn cần hạn chế các thức ăn quá giàu đạm thịt bò, nội tạng động vật; đồ ăn mặn, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ. Đặc biệt giảm ăn thực phẩm chứa nhiều kali (chuối, cam, quýt, dưa hấu) và photpho (pho mát, chocolate).

Về chế độ sinh hoạt, bạn cần loại bỏ những thói quen không tốt: nhịn đi tiểu, hút thuốc lá, uống rượu bia. Thay vào đó, người bệnh cần xây dựng cho mình thói quen vận động thường xuyên, mỗi ngày ít nhất 30 phút. Bạn cũng nên định kỳ khám sức khỏe và làm xét nghiệm để theo dõi tình trạng bệnh. Đặc biệt người bệnh cần luôn giữ thái độ lạc quan, yêu đời bởi chẳng một phương thuốc nào có thể chữa được bệnh về tâm lý.

Bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Suy thận độ 2 sống được bao lâu?”. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn có được cái nhìn lạc quan hơn và nắm rõ được cách điều trị bệnh hiệu quả để sớm đẩy lùi căn bệnh này.