Chăm sóc bệnh nhân hội chứng thận hư không những cần sự cẩn thận, chỉn chu mà còn cần rất nhiều kiến thức về bệnh. Chỉ khi người chăm sóc bệnh nhân và chính bệnh nhân hiểu rõ về bệnh mới có thể thực hành đúng được công việc này.
Hội chứng thận hư là gì?
Hội chứng thận hư là một bệnh lý đặc trưng của bệnh lý cầu thận, với phù nhiều toàn thân, protein niệu lớn hơn 3.5 g/1.73m2 da trong 24 giờ (hoặc lớn hơn 3 g/24 giờ trên lâm sàng), kèm theo những biểu hiện của mất đạm niệu nhiều gây giảm đạm máu (dưới 6 g/dL), giảm nhanh albumin máu (dưới 3 g/dL), tăng lipid máu. Bệnh có thể đi kèm tiểu máu, tăng huyết áp và nếu không được điều trị sẽ dẫn đến suy thận mạn tính.
Chế độ chăm sóc bệnh nhân hội chứng thận hư
Biểu hiện lâm sàng của hội chứng thận hư rất đa dạng các triệu chứng. Việc chăm sóc người bệnh mắc chứng thận hư làm giảm sự khó chịu của bệnh nhân đối với bệnh và hỗ trợ điều trị bệnh.
Trước khi tiến hành chăm sóc bệnh nhân hội chứng thận hư cần xác định và thu thập các thông tin sau:
– Phù: Phù xuất hiện lúc nào? Phù ở đâu? Phù lần thứ mấy? Trước đây đã bị phù chưa? Tính chất của phù.
– Cân nặng của người bệnh trước và sau khi có phù.
– Lượng nước tiểu của bệnh nhân trong 24 giờ.
– Tiền sử bệnh tật và dùng thuốc (corticoid, cam thảo…)
Khi đã thu thập được các thông tin trên có thể bắt đầu lập kế hoạch chăm sóc. Kế hoạch này sẽ bắt đầu được thực hiện từ những ngày đầu và có thể thay đổi liên tục tùy theo những diễn biến của bệnh.
Người bệnh bị mắc hội chứng thận hư cần có một chế độ nghỉ ngơi hoàn toàn trong thời gian bị bệnh. Bệnh nhân cần hạn chế vận động, đi lại điều này sẽ khiến ứ trệ máu trong hệ tuần hoàn và kết quả là làm nặng thêm tình trạng phù. Ngoài ra việc đi lại vận động nhiều sẽ làm tăng mức lọc cầu thận làm mất đạm nhiều hơn trên một nền bệnh nhân đã có tổn thương ở cầu thận. Khi phù nhiều và thiểu niệu nên để bệnh nhân nằm cao đầu.
Giữ ấm cho bệnh nhân đặc biệt trong mùa đông. Những rối loạn về điện giải của người bệnh hội chứng thận hư làm xuất hiện tình trạng chậm xinap. Thêm vào đó hoạt động của thần kinh giao cảm và phó giao cảm bị rối loạn cũng có thể gây ra tình trạng biến đổi của thân nhiệt đặc biệt là hạ thân nhiệt.
Hội chứng thận hư gây ra hiện tượng tiểu đạm và giảm đạm máu, tình trạng này là một yếu tố nguy cơ gây ra nhiễm khuẩn. Cơ thể của người bệnh hội chứng thận hư có sức đề kháng yếu cho nên cần chủ động trong việc phòng tránh nhiễm khuẩn một cách tích cực.
Giữ gìn vệ sinh thân thể, răng, mũi, tai, họng để tránh nhiễm khuẩn. Không để móng tay dài vì điều này có thể gây tổn thương trên da tạo điều kiện cho các nhiễm khuẩn thứ phát. Bệnh nhân nên tắm rửa và vệ sinh da bằng nước ấm, thay đổi ga giường thường xuyên. Đối với bệnh nhân có những vết loét trên da cần vệ sinh bằng nước muối sinh lý, oxy già hoăc các dung dịch sát khuẩn khác.
Người nhà bệnh nhân hoặc người chăm sóc cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở. Không nên sống trong môi trường ẩm thấp, không sạch sẽ vì điều này sẽ không tốt cho người bệnh mắc hội chứng thận hư. Vệ sinh môi trường luôn là điều cần thiết để phòng chống nhiễm khuẩn.
Một điều quan trọng hàng đầu trong việc chăm sóc bệnh nhân hội chứng thận hư đó là xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Việc kiểm soát chế độ ăn của bệnh nhân hội chứng thận hư giúp cho việc giảm thiểu tiến triển nặng của các triệu chứng bệnh.
Người bệnh cần có chế độ ăn giảm muối dưới 6 gram/24 giờ nếu phù nhiều cần giảm lượng muối nạp vào cơ thể thậm chí dưới 1 gram/24 giờ. Tiết chế đạm ở mức trung bình khoảng 0.8 g/kg/ngày cộng thêm lượng protein niệu. Việc tiết chế này làm giảm hiện tượng phù và bảo vệ thận khỏi tổn thương tiến triển.
Về chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo năng lượng đầu vào khoảng 35 – 40 Kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày.
Trong đó lượng protid: 50-60 gram, lipid: 30-35 gram, glucid: 332-360 gram, cholesterol nhỏ hơn 300mg/ngày, natri nhỏ hơn 2g/ngày và lượng nước uống vào khoảng 1-1.5 lít. Các thực phẩm cần bổ sung phải đa dạng nguồn gốc thực vật và động vật. Nên ăn thịt trắng hạn chế thịt đỏ, kiêng hải sản vì sẽ làm tăng gánh nặng cho thận.
Các thức ăn từ thịt cá chỉ nên áp dụng cho bệnh nhân không có hội chứng ure máu cao. Những trường hợp khác cần cân nhắc chế độ dinh dưỡng. Ăn nhiều hoa quả tươi đặc biệt những hoa quả cung cấp nhiều chất khoáng và vitamin nhóm B.
Tuy nhiên với bệnh nhân hội chứng thận hư hoặc bệnh thận mạn thì việc ăn các thực phẩm chứa nhiều Kali cần được hạn chế vì có thể gây tăng kali máu và có thể gây ngừng tim. Các thực phẩm tiêu biểu đại diện cho nhóm chứa nhiều kali là cam và chuối.
Nói tóm lại chăm sóc bệnh nhân hội chứng thận hư là một công cuộc lâu dài vì bệnh có tính chất mạn tính. Khi chăm sóc người bệnh cần tỉ mỉ và cẩn thận trong điều chỉnh chế độ ăn, chế độ sinh hoạt và tập luyện thì mới đạt được tối đa hiệu quả điều trị.
Y Sĩ Phạm Thị Ngọc Ngân tốt nghiệp loại giỏi trường Trung Cấp Y Tế Bắc Giang năm 2013 là một người am hiểu về các bệnh dạ dày, thận hiện tại đang là tác giả, chịu trách nhiệm nội dung các bài viết liên quan tới bệnh dạ dày và thận trên trang cuusaola.vn