Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương mà không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ phát triển thành viêm loét dạ dày nặng. Đặc biệt, nếu để lâu sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và có thể dẫn tới một số biến chứng vô cùng nguy hiểm. Để biết rõ thêm về bệnh lý này, hãy tìm hiểu bài viết dưới đây của chúng tôi.
Mục lục:
Viêm loét dạ dày nặng là như thế nào?
Viêm loét dạ dày hay còn được gọi với thuật ngữ Peptic ulcer là một bệnh mạn tính, diễn biến có tính chất chu kì. Tổn thương là những ổ loét ở lớp niêm mạc của dạ dày, có thể là một ổ hoặc nhiều ổ.
Vị trí loét hay gặp nhất là ở môn vị hoặc bờ cong nhỏ của dạ dày. Loét dạ dày nếu diễn biến trong một thời gian dài mà không được điều trị sẽ phát triển thành loét dạ dày nặng với sự ăn sâu của các ổ loét vào lớp niêm mạc dạ dày gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu nhận biết viêm dạ dày nặng.
Dấu hiệu viêm dạ dày nặng sẽ biểu hiện bằng một trong số các dấu hiệu đặc trưng sau:
- Đau thượng vị nặng: Bình thường, người bị viêm loét dạ dày sẽ có đau vùng thượng vị, biểu hiện bằng những cơn đau âm ỉ, bỏng rát hoặc đau quặn, thường có tính chu kì trong ngày và trong năm. Tuy nhiên, khi bệnh nặng lên, tính chu kì dần dần mất đi, các cơn đau sẽ xuất hiện liên tục và mức độ đau dữ dội hơn.
- Xuất huyết tiêu hóa: Biểu hiện bằng nôn ra máu tươi, hoặc đi ngoài phân đen, tính chất phân như bã cà phê, có mùi khắm hoặc kết hợp cả hai.
- Có biểu hiện của thủng dạ dày: Là khi các vết loét ăn sâu vào các lớp niêm mạc dạ dày gây ra thủng, biểu hiện bằng những cơn đau bụng dữ dội, cảm giác đau như bị dao đâm và co cứng thành bụng do các chất dịch dạ dày tràn vào ổ bụng gây viêm màng bụng.
- Hình ảnh hẹp môn vị phát hiện trên nội soi, bệnh nhân có cảm giác đầy bụng, chán ăn, ăn không tiêu, buồn nôn và nôn ra thức ăn cũ.
- Sụt cân: Việc liên tục bị những cơn đau hành hạ kết hợp với không ăn uống được sẽ khiến người bệnh bị sụt cân bất thường, có thể mất vài kilogam trong vòng một tháng.
Nguyên nhân gây loét dạ dày nặng
Viêm loét dạ dày nặng chính là hậu quả của những vết loét dạ dày thông thường nhưng không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách nên phát triển mạnh thêm. Trong đó những nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày bao gồm:
Loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori:
Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng bệnh. Vi khuẩn này trú ngụ ở trên và dưới lớp niêm mạc dạ dày, khi phát triển chúng gây thoái hóa lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày đồng thời tiết ra các men trực tiếp phá hủy dạ dày gây ra những vết loét. Nếu không được phát hiện và điều trị, H.pylori sẽ nhanh chóng nhân lên, vết loét sẽ lan rộng ra và ăn sâu hơn.
Loét dạ dày do thường xuyên sử dụng NSAIDs:
Là các thuốc chống viêm phi Steroid: Với hiệu quả giảm đau chống viêm tương đối tốt, các thuốc này thường xuyên được sử dụng để điều trị trong một số chứng bệnh thông thường như đau khớp, viêm khớp,…
Tuy nhiên việc sử dụng thuốc một cách tùy tiện đã dẫn đến tình trạng loét dạ dày. Do không nhận thức được nguyên nhân này, một số người vẫn tiếp tục sử dụng thuốc khi đã có biểu hiện loét làm cho tình trạng bệnh ngày một nặng thêm.
Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố nguy cơ góp phần khiến cho tình trạng loét trở nên nặng thêm, có thể kể đến:
- Căng thẳng, stress liên tục trong thời gian dài: Làm gia tăng tối đa nguy cơ và mức độ loét do phản ứng kích thích tăng tiết acid dịch vị.
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt: Ăn nhiều đồ ăn chua, cay, nóng; sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê hay thuốc lá đều là yếu tố thúc đẩy tình trạng loét nặng hơn.
Viêm loét dạ dày nặng có nguy hiểm không?
Viêm loét dạ dày khi phát triển nặng sẽ trở nên hết sức nguy hiểm. Với biến chứng xuất huyết tiêu hóa và thủng ổ loét, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức do mất nhiều máu gây trụy tim mạch, tụt huyết áp.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể bị ung thư hóa từ ổ loét. Do ổ loét là một vết thương hở nên các vi khuẩn sẽ dễ dàng thâm nhập, sửa chữa gây đột biến ADN. Quá trình này kéo dài sẽ dẫn đến ung thư dạ dày, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Đây là biến chứng nguy hiểm và đáng ngại nhất mà người bệnh có thể mắc phải do khi đã bị ung thư hóa thì tỷ lệ được chữa trị thành công là vô cùng nhỏ.
Theo một số nghiên cứu, ung thư dạ dày là một trong những loại phổ biến nhất hiện nay với tỉ lệ người sống sau 5 năm là 84% và chỉ còn 64% sống sót đến 10 năm.
Tìm hiểu thêm về tình trạng viêm dạ dày mãn tính
Cách điều trị viêm loét dạ dày nặng.
Như đã đề cập ở trên, đau dạ dày nặng sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như chảy máu tiêu hóa, thủng ổ loét, hẹp môn vị hoặc ung thư dạ dày. Với mỗi biến chứng, sẽ có những phương pháp điều trị riêng biệt:
Xuất huyết tiêu hóa: Khi bệnh nhân bị chảy máu dạ dày, đầu tiên sẽ được cấp cứu cầm máu, truyền máu bổ sung nếu mất máu quá nhiều dẫn đến giảm thể tích tuần hoàn. Đồng thời truyền thuốc ức chế bơm proton (PPIs) liều cao đường tĩnh mạch để cấp cứu. Sau đó, người bệnh sẽ tiếp tục được sử dụng PPI đường uống trong vòng 8 – 12 tuần để lành vết loét và giảm triệu chứng.
Thủng ổ loét: Phẫu thuật là biện pháp bắt buộc. Bệnh nhân được vá lỗ thủng qua chụp X – quang hoặc nội soi. Nếu nghi ngờ ung thư hoặc lỗ thủng không thể khâu lại, sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày.
- Hẹp môn vị: Với những bệnh nhân bị biến chứng hẹp môn vị, các bác sĩ sẽ tiến hành nong chỗ hẹp nếu lành tính hoặc phẫu thuật trong trường hợp nong thất bại hoặc ung thư hóa.
- Riêng với những bệnh nhân bị ung thư hóa dạ dày do ổ loét sẽ được phẫu thuật và áp dụng các phác đồ thuốc để điều trị ung thư.
Như vậy, có thể thấy rằng, viêm loét dạ dày nặng là bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Biến chứng có thể xảy ra và đe dọa tính mạng người bệnh bất cứ lúc nào. Do đó, việc cần làm chính là cần phải phát hiện bệnh ngay từ khi còn sớm để điều trị kịp thời, đúng phác đồ, tránh dẫn đến đau dạ dày nặng đồng thời ngăn ngừa hiệu quả các biến chứng có thể xảy ra.
Y Sĩ Phạm Thị Ngọc Ngân tốt nghiệp loại giỏi trường Trung Cấp Y Tế Bắc Giang năm 2013 là một người am hiểu về các bệnh dạ dày, thận hiện tại đang là tác giả, chịu trách nhiệm nội dung các bài viết liên quan tới bệnh dạ dày và thận trên trang cuusaola.vn