Hiện nay, y học hiện đại rất phát triển nhưng các cây thuốc nam trị bệnh thận ứ nước vẫn được nhiều người bệnh tin dùng. Vậy những cây thuốc nào có thể sử dụng điều trị và vì sao chúng lại đem lại hiệu quả như vậy, ở bài viết này chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu.
Mục lục:
Các cây thuốc nam trị bệnh thận ứ nước
Thận ứ nước là hậu quả của tình trạng tắc nghẽn đường niệu do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thường gặp nhất là do sỏi niệu quản. Ngoài ra có thể do các dị dạng bẩm sinh hẹp niệu quản, u cục trên niệu quản hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu… Các nguyên nhân này không được giải quyết kịp thời đều có thể dẫn tới thận ứ nước.
Trong dân gian, có nhiều cây thuốc nam được sử dụng để hỗ trợ điều trị thận ứ nước một cách hiệu quả. Chúng vừa có tác dụng góp phần giải quyết nguyên nhân, vừa tăng cường chức năng thận.
Râu ngô
Râu ngô là bộ phận của cây ngô (bắp), một nguyên liệu tự nhiên rất dễ kiếm ở vùng nông thôn. Trong râu ngô có chứa nhiều thành phần chất dinh dưỡng như vitamin A, K, vitamin B1, 6, 12, biotin, vitamin C, flavonoid, sitosterol và nhiều vi lượng khác. Các thành phần này rất cần thiết cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, theo Đông y, râu ngô vị ngọt, mát, tính bình, có tác dụng lợi niệu, tiêu sỏi rất tốt. Nó được dùng hỗ trợ trong các bệnh viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, sỏi niệu quản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra thận ứ nước.
Người bệnh có thể dùng râu ngô tươi bỏ vào ấm nước, sau đó đun sôi để nguội, uống nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên cần lưu ý, buổi tối nên hạn chế uống vì tác dụng lợi niệu có thể gây tiểu đêm nhiều. Người bệnh uống một đợt liên tục khoảng 7-10 ngày thì dừng lại 1-2 tuần rồi mới bắt đầu uống tiếp đợt mới (để tránh rối loạn điện giải).
Với trẻ nhỏ không nên dùng thay nước lọc hàng ngày và chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Với phụ nữ có thai chỉ nên sử dụng 2-3 lần/tuần, các trường hợp cạn ối thì hạn chế uống nước râu ngô để an toàn hơn.
Cây mã đề
Cây mã đề có tên khoa học là Plantago major L, là một loại cây mọc hoang dại.
Cây cây mã đề chứa các thành phần hóa học có tác dụng trị nhiều bệnh tật:
- Acid phenoic
- Aucubosid
- Catalpol
- Majoroside
- Các nguyên tố flavonoid
- Vitamin K, C
- Caroten
Theo Đông y, mã đề có vị ngọt, tính hàn, tác dụng lợi niệu. Chính vì vậy, cây mã đề được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc, đặc biệt là các bài thuốc trị sỏi thận, sỏi niệu quản và bệnh thận ứ nước.
Bài thuốc với cây mã đề trị thận ứ nước cần có 10g hạt mã đề, 2g cam thảo, 600ml nước. Bệnh nhân sắc cạn còn 200ml, sau đó chia ra 3 lần uống/ngày.
Cần thận trọng, không nên sử dụng cây mã đề cho phụ nữ có thai, người thận yếu, tiểu đêm nhiều.
Rễ cỏ tranh
Rễ cỏ tranh hay còn gọi là bạch mao căn (Rhizoma Imperatae). Đây là một loại cỏ mọc rất nhiều ở nước ta, thân chắc, lá hình lá lúa có gai.
Thành phần hóa học của rễ cỏ tranh gồm glucoza, fructoza và acid hữu cơ. Theo các tài liệu Đông y, rễ cỏ tranh vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tiêu ứ huyết, lợi tiểu, tẩy độc cơ thể, trị sỏi thận, sỏi niệu quản, viêm đường tiết niệu… Như vậy có thể thấy rễ cỏ tranh có thể hỗ trợ giải quyết nhiều nguyên nhân của bệnh thận ứ nước.
Người bệnh có thể dùng rễ cỏ tranh khô sắc với nước, sau đó uống trong ngày vào buổi sáng, chiều. Cũng như các loại cây thuốc nam trên, bạn nên hạn chế uống rễ cỏ tranh vào buổi tối vì có thể gây đi tiểu đêm nhiều.
Kim tiền thảo
Kim tiền thảo (Desmodium styracifolium) là một cây thuốc nam quý, được áp dụng điều trị hỗ trợ trong các bệnh về thận rất tốt. Kim tiền thảo có khả năng ức chế sự hình thành sỏi calci oxalat nhờ các cơ chế:
- Cơ chế giảm canxi niệu, tăng bài tiết citrat niệu.
- Chất saponin triterpenoid có trong kim tiền thảo giúp ức chế hình thành sỏi canxi oxalat ở thận.
- Tăng lượng bài tiết nước tiểu, tác dụng chống oxy hóa.
Theo Đông y, kim tiền thảo vị ngọt, tính mát, vào kinh thận, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu.
Kim tiền thảo sau khi xắt nhỏ, phơi khô, đem sắc loãng với 3 lít nước. Sử dụng uống trong ngày, có thể uống thay nước lọc. Tuy nhiên bài thuốc này cũng chỉ nên sử dụng trong một tuần rồi dừng lại để tránh tác dụng phụ gây rối loạn điện giải.
Các lưu ý khi sử dụng cây thuốc nam trị bệnh thận ứ nước
- Trước tiên, người bệnh cần được khám, chẩn đoán mức độ bệnh thận ứ nước tại cơ sở y tế chuyên khoa.
- Tùy theo nguyên nhân và mức độ bệnh để lựa chọn bài thuốc phù hợp. Tốt nhất chỉ nên áp dụng khi thận ứ nước độ 1, với các mức độ nặng hơn bệnh nhân nên tới cơ sở y tế để được điều trị theo phác đồ, các cây thuốc nam chỉ phục vụ hỗ trợ điều trị.
- Người bệnh nên tới phòng khám Đông y để được tư vấn dùng thuốc nam và mua các cây thuốc nam đảm bảo chất lượng.
- Không sử dụng các cây thuốc nam trong thời gian kéo dài, thận trọng với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già, suy thận.
- Trong thời gian áp dụng các bài thuốc, nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường cần dừng lại ngay và đến cơ sở y tế để khám sớm nhất có thể.
Như vậy, bài viết đã cung cấp đến bạn đọc một số cây thuốc nam trị bệnh thận ứ nước có hiệu quả. Cho dù nguyên nhân gây ra thận ứ nước là gì, người bệnh cũng nên phát hiện và điều trị bệnh ngay khi còn ở giai đoạn sớm, tránh các phiền toái, nguy hiểm sau này.
Y Sĩ Phạm Thị Ngọc Ngân tốt nghiệp loại giỏi trường Trung Cấp Y Tế Bắc Giang năm 2013 là một người am hiểu về các bệnh dạ dày, thận hiện tại đang là tác giả, chịu trách nhiệm nội dung các bài viết liên quan tới bệnh dạ dày và thận trên trang cuusaola.vn