Bà bầu bị ợ chua phải làm sao là câu hỏi được các mẹ quan tâm nhiều nhất bởi lẽ đây là tình trạng phổ biến ở hầu hết các thai phụ. Chúng gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu. Bài viết sau đây sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị hữu hiệu nhất.
Mục lục:
Nguyên nhân khiến bà bầu bị ợ chua nóng rát cổ
Vào ba tháng đầu của thai kỳ đa số thai phụ đều có triệu chứng ợ chua gây nóng rát ở vùng cổ, điều này khiến họ vô cùng lo lắng. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đâu:
- Do thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai lượng Hormon trong cơ thể cũng dần biến đổi theo. Thành phần Progesterone có trong nhau thai với tác dụng làm giãn cơ trơn tử cung và cơ vòng thực quản. Điều này làm cho dịch dạ dày bị trào ngược lên phía trên gây ợ chua, nóng rát vùng cổ, lâu dần sẽ dẫn đến viêm và ung thư hóa nếu không được chữa trị kịp thời.
- Do stress, căng thẳng trong thai kỳ cũng là nguyên nhân gây tăng tiết dịch vị khiến bà bầu thường xuyên có tình trạng ợ chua.
- Vào 3 tháng cuối, thai nhi to dần sẽ đẩy tử cung và dạ dày lên phía trên làm quá trình tiêu hóa thức ăn không được diễn ra nhanh chóng gây cảm giác khó chịu, ợ nóng cho thai phụ.
Bà bầu bị ợ chua phải làm sao
Hiện tượng ợ chua khi mang thai là một quá trình sinh lý hết sức bình thường. Nhưng nó lại gây ra những triệu chứng vô cùng khó chịu khiến mẹ bầu mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không đủ giấc. Vậy làm cách nào để thoát khỏi tình trạng trên?.
Sau đây là những phương pháp tuy đơn giản nhưng vô cùng hữu ích mà các mẹ bầu không thể bỏ qua:
Ăn chậm, nhai kĩ
Việc làm này sẽ giúp thức ăn được tiêu hóa dễ dàng hơn, dạ dày không phải co bóp nhiều, lượng acid dịch vị bài tiết ít giúp giảm triệu chứng ợ chua, nóng rát vùng cổ.
Thức ăn nên chia làm nhiều bữa nhỏ
Khi mang thai mẹ bầu luôn có cảm giác đói bụng vì nhu cầu năng lượng cần gấp đôi so với người bình thường nhưng không phải vì thế mà ăn vô tội vạ. Ăn quá no khiến cho cường độ hoạt động của dạ dày tăng lên dẫn đến triệu chứng ợ chua, ợ nóng rất khó chịu. Vì vậy, thay vì ăn ngày 3 bữa các mẹ hãy chia ra 7 đến 8 bữa để dạ dày được nghỉ ngơi.
Uống nhiều nước
Việc bổ sung nước không những tốt cho thai nhi mà còn giúp mẹ bầu giảm nhanh các triệu chứng khó chịu ở vùng cổ. Mỗi ngày bạn nên bổ sung 1,5 đến 2 lít nước, uống từ từ, từng ngụm nhỏ.
Uống nước gừng
Gừng là một loại thức uống không thể bỏ qua trong quá trình mang thai. Bởi công dụng mà chúng mang lại vô cùng hữu hiệu, ngoài việc giúp cơ thể mẹ bầu tránh các tác nhân nhiễm khuẩn từ bên ngoài. Nó còn làm giảm các triệu chứng liên quan đến dạ dày như: ợ hơi, ợ chua, nuốt nghẹn. Mỗi ngày bạn chỉ cần uống 1 – 2 cốc sau mỗi bữa ăn đảm bảo các vấn đề trên sẽ thuyên giảm.
Chườm túi nước đá
Biện pháp này giúp co mạch, làm giảm bớt triệu chứng đau tức thượng vị cũng như ợ chua, đầy hơi, chướng bụng. Ngày làm 1 – 2 lần, mỗi lần 15 – 20 phút.
Ăn mặc thỏa mái, thoáng mát
Việc mặc quần áo chật sẽ gây chèn ép nhiều cơ quan, làm máu lưu thông không tốt gây ảnh hưởng đến thai nhi và quá trình co bóp của dạ dày
Nằm nghiêng sang trái
Các mẹ bầu cần hạn chế nằm nghiêng phải vì khi thai to sẽ chèn ép động mạch chủ bụng làm lưu lượng máu đi nuôi dưỡng các cơ quan bị ứ trệ gây ra hiện tượng phù. Hơn nữa, việc nằm nghiêng sang phải sẽ đè nén dạ dày gây trào ngược acid dẫn đến tình trạng ợ chua liên tục.
Không được nằm, làm việc sau khi ăn
Việc ăn no, làm việc ngay sau khi ăn sẽ khiến dạ dày căng to, tăng sức ép lên hệ tiêu hóa làm bà bầu luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, đau tức nhiều vùng thượng vị.
Hạn chế các chất kích thích
Hạn chế các chất kích thích, thức ăn có vị chua cay như: Khế, me, ớt, cafe, đồ uống có gas, các món ăn chứa nhiều dầu mỡ vì chúng hoàn toàn không tốt cho phụ nữ mang thai. Hơn nữa còn làm cho tình trạng ợ chua, ợ nóng nặng nề hơn.
Nếu các biện pháp trên đã áp dụng nhưng tình trạng ợ chua vẫn không cải thiện bạn có thể cân nhắc sử dụng một số nhóm thuốc sau dưới sự hướng dẫn của bác sĩ:
– Nhóm kháng acid: Thuốc có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng ở dạ dày – thực quản. Các loại chế phẩm có chứa thành phần nhôm hydroxyd được cho là an toàn với mẹ bầu như: Grangel, Trimafort, Varogel…
– Nhóm PPI: Theo thống kê của các nhà khoa học, việc sử dụng thuốc PPI ho đến nay tương đối an toàn, không gây khuyết tật cho thai nhi. Bao gồm các thuốc sau: omeprazole, esomeprazole, lansoprazole, pantoprazole…
Bài viết trên đã đưa ra những lời giải đáp xoay quanh việc bà bầu bị ợ chua phải làm sao. Hy vọng bạn sẽ áp dụng thành công để khắc phục hiệu quả tình trạng sinh lý bình thường này.
Y Sĩ Phạm Thị Ngọc Ngân tốt nghiệp loại giỏi trường Trung Cấp Y Tế Bắc Giang năm 2013 là một người am hiểu về các bệnh dạ dày, thận hiện tại đang là tác giả, chịu trách nhiệm nội dung các bài viết liên quan tới bệnh dạ dày và thận trên trang cuusaola.vn