Viêm phế quản ở trẻ em là bệnh lý viêm khí – phế quản lớn thoáng qua với biểu hiện chính là ho. Bệnh thường hay gặp ở cả nam và nữ, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Vậy nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh như thế nào? Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết:
Mục lục:
Triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em
Bệnh thường khởi đầu với viêm hô hấp trên (viêm mũi, viêm họng) trong vài hôm. Tiếp đến, ho khan tăng dần, vào các ngày thứ 3 – 4. Ho khan dữ dội không có đờm làm trẻ đau rát vùng sau xương ức hoặc đau ran cả lồng ngực. Trẻ nhỏ thường nôn sau các cơn ho. Trẻ có thể có sò sè nhẹ.
Sau vài ngày ho thì bắt đầu có đàm, lúc đầu đàm trong sau có màu vàng. Trong khoảng 5 – 10 ngày, đàm lỏng dần, triệu chứng ho cũng giảm từ từ. Trong đa số các trường hợp, bệnh thường kéo dài trong 2 tuần, tối đa 4 tuần. Nếu ho kéo dài quá thời gian này, cần tìm xem trẻ có bệnh lý mạn tính nào chưa được phát hiện không.
Khám thấy trẻ không sốt hoặc sốt nhẹ và thường có viêm mũi, viêm mũi họng hay viêm kết mạc đi kèm. Trong giai đoạn đầu, nghe phổi thường không phát hiện gì đặc biệt. Về sau nghe phổi có thể âm thở thô, rải rác ran ẩm vừa hạt và ran ngáy.
Nguyên nhân trẻ bị viêm phế quản
RSV, influenza virus A và B, parainfluenza virus (đặc biệt là type 3), adenovirus, rhinovirus và paramyxovirus (kể cả loại virus mới được phân lập gần đây metapneumovirus) là những tác nhân thường gây viêm phế quản cấp. Bệnh có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng thường gặp vào mùa thu – đông. Riêng adenovirus và rhinovirus có thể không xảy ra theo mùa.
Mặc dù ít gặp hơn virus rất nhiều nhưng streptococcus pneumoniae, S. aureus, H. influenzae và Mycoplasma pneumoniae cũng có thể gây viêm phế quản. Một số nghiên cứu cho thấy Moraxella catarrhalis và Chlamydia pneumoniae có thể gây viêm phế quản kèm sò sè ở người lớn. Tuy nhiên, vẫn còn ít dữ liệu về vai trò của Chlamydia pneumoniae ở trẻ lớn hoặc trẻ vị thành niên.
Bordetella pertussis và C. diphtheriae cũng có thể gây viêm phế quản ở trẻ em chưa có miễn dịch. Ngoài ra, mycobacterium tuberculosis có thể gây nên tình trạng viêm cấp và mạn tính ở trẻ sống trong vùng dịch tễ.
Cách chữa viêm phế quản ở trẻ em
Chủ yếu điều trị hỗ trợ:
- Nghỉ ngơi, bù dịch.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân kích thích như khói thuốc lá.
Kháng sinh: Kháng sinh không có tác dụng rút ngắn thời gian bệnh hoặc làm giảm biến chứng. Chỉ cho kháng sinh khi diễn tiến lâm sàng rất nghi ngờ bội nhiễm vi khuẩn hoặc khi cấy dương tính. Việc chọn lựa kháng sinh tùy thuộc vào tuổi bệnh nhi, loại vi khuẩn thường gây bệnh và tính nhạy cảm của vi khuẩn trong cộng đồng.
Thuốc giảm ho: Không nên dùng hoặc chống chỉ định.
Vật lý ngực liệu pháp: Không cần thiết.
Thuốc chủ vận beta 2 hít: Chỉ định khi trẻ có sò sè.
Corticosteroid (hít hoặc uống): Có thể có hiệu quả trong trường hợp khó thở và/hoặc tắc nghẽn đường thở nặng.
Trẻ bị viêm phế quản bao lâu thì khỏi
Thông thường các triệu chứng của bệnh sẽ tự khỏi sau 7 đến 10 ngày mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, có những trường hợp mức độ nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, thời gian điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ em dài hay ngắn còn tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng đáp ứng kháng sinh và sức đề kháng của cơ thể.
Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản
Trẻ bị bệnh cần có chế độ chăm sóc đặc biệt kỹ lưỡng nhằm hạn chế những nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra. Hãy giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh bằng những việc làm cụ thể như:
- Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, không kiêng khem.
- Thức ăn phải mềm, lỏng, dễ tiêu.
- Tăng cường bú sữa mẹ, uống đủ lượng nước trong ngày.
- Vệ sinh tai – mũi – họng thật sạch cho trẻ, dùng nước muối sinh lý để rửa mũi.
- Rửa tay cho trẻ thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, không khí trong lành.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, khói bụi, không khí ô nhiễm.
- Luôn giữ ấm cơ thể trẻ, tránh những nơi gió lùa, không khí lạnh.
Cách phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ
Việc dự phòng và làm giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh lý viêm phế quản ở trẻ em đã được cụ thể hóa trong chương trình IMCI quốc gia. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là giáo dục cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi các kiến thức cơ bản về phòng bệnh, phát hiện và xử lý bệnh kịp thời, bao gồm những vấn đề sau:
- Kiến thức về chăm sóc sức khỏe.
- Biết lúc nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
- Biết lợi ích của việc tiêm chủng (đặc biệt là tiêm phòng lao, BH-HG-UV, sởi).
- Biết lợi ích của sữa mẹ.
- Biết tác hại của khói, bụi, đặc biệt là khói thuốc lá.
Viêm phế quản ở trẻ em không phải là bệnh toàn thân nguy hiểm nếu các bậc cha mẹ biết cách chăm sóc và xử trí đúng cách. Bài viết trên hy vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức bổ ích để nuôi dưỡng con một cách toàn diện nhất.
Y Sĩ Phạm Thị Ngọc Ngân tốt nghiệp loại giỏi trường Trung Cấp Y Tế Bắc Giang năm 2013 là một người am hiểu về các bệnh dạ dày, thận hiện tại đang là tác giả, chịu trách nhiệm nội dung các bài viết liên quan tới bệnh dạ dày và thận trên trang cuusaola.vn