Khàn tiếng mà có đau họng có thể do nguyên nhân thông thường như viêm họng, viêm thanh quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Còn khàn tiếng nhưng không đau họng thì nguyên nhân lại khá phức tạp và đôi khi bắt nguồn từ những bệnh khá nguy hiểm nên cần phải lưu ý. Vậy có những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bệnh? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây!
Nguyên nhân gây khàn tiếng nhưng không đau họng
Khàn tiếng là sự thay đổi bất thường về giọng nói và cảm giác ở vùng họng. Có những nguyên nhân gây khàn giọng không nghiêm trọng nhưng có những nguyên nhân thực sự cần lưu ý vì có thể là dấu hiệu cảnh báo của một căn bệnh nào đó nguy hiểm khác. Có những nguyên nhân gây khàn tiếng nhưng không đau họng như sau.
- U nang dây thanh âm hoặc polyp dây thanh âm: Tức là có khối u trên dây thanh âm khiến giọng bị khàn đi. Nguyên nhân thường là do lạm dụng giọng nói gây ra nghĩa là người nói nhiều, nói quá to thì nguy cơ mắc sẽ cao hơn. Những đối tượng hay lạm dụng giọng nói như: Giáo viên, MC…
- Trào ngược dạ dày thực quản: Là hiện tượng acid từ dạ dày bị trào ngược và lên đến tận dây thanh âm. Trào ngược dạ dày thực quản gây khàn tiếng sẽ tăng vào buổi sáng sớm. Nguyên nhân này rất phổ biến và hay gặp nhưng nhiều khi người mắc phải không phát hiện ra nguyên nhân này do khàn giọng có thể không đi kèm với các dấu hiệu ợ hơi, ợ chua của trào ngược dạ dày tá tràng.
- Suy giáp: Suy giáp cũng là một trong những nguyên nhân gây khàn tiếng. Tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả do khối u hoặc viêm nhiễm.
- Ung thư: Đôi khi khàn tiếng là một trong những triệu chứng đầu tiên của một số bệnh ung thư (ung thư vòm họng, ung thư thanh quản) đôi khi những bệnh ung thư gan, phổi di căn lên vùng họng cũng có thể gây khàn tiếng nhưng không đau họng ở những trường hợp này, thường thường đã có nhiều triệu chứng khác nguy hiểm hơn.
- Đột quỵ hoặc một số bệnh về thần kinh như Parkinson, đa xơ cứng cũng là nguyên nhân gây khàn giọng do dây thần kinh thanh quản bị ảnh hưởng.
- Liệt dây thần kinh thanh quản: Đây cũng là một nguyên nhân gây khàn tiếng khi mà dây thần kinh thanh quản có thể bị tổn thương sau một phẫu thuật nào đó như mổ tuyến giáp, phẫu thuật tim.
- Sử dụng corticosteroid dạng hít trong khoảng thời gian dài cũng là một trong những nguyên nhân khiến giọng nói bị khàn. Trường hợp này hay gặp ở bệnh nhân bị bệnh hen hoặc COPD do những bệnh nhân này thường được chỉ định corticosteroid để điều trị.
- Hút thuốc lá: Thuốc lá không chỉ gây độc cho phổi và những bộ phận khác của cơ thể mà khói thuốc lá cũng có thể là nguyên nhân gây khàn tiếng. Người hít phải khói thuốc lá một cách thụ động cũng bị ảnh hưởng và gây khàn tiếng.
Vậy nếu bị khàn tiếng thì việc điều trị có khó khăn hay không và điều trị bằng thuốc gì cách nào cho hiệu quả tốt?
Khàn tiếng nhưng không đau họng uống thuốc gì ?
Đối với khàn tiếng do viêm, nhiễm khuẩn, kèm đau họng thì việc điều trị bằng thuốc sẽ dễ dàng hơn nhiều so với điều trị khàn tiếng nhưng không có đau họng.
Những thuốc được dùng như:
- Kháng sinh diệt khuẩn: Có một số loại kháng sinh có thể dùng khi bị viêm đường hô hấp trên như nhóm kháng sinh cephalosporin, beta- lactam hay macrolid. Trong đấy nhóm kháng sinh cephalosporin là ít tác dụng phụ nhất. Nhưng không thể tuỳ ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc chống viêm, chống dị ứng: Một số thuốc chống viêm, chống dị ứng (histamin chống dị ứng) cũng được dùng khi bị khàn tiếng.
- Một số trường hợp có thể dùng các phương pháp đơn giản như: Ngậm chanh đào mật ong, ngậm kẹo bạc hà,…. Cũng có thể giảm bớt tình trạng khàn tiếng. Đây cũng là một bài thuốc dân gian khá hữu hiệu được sử dụng nhiều
Đối với khàn tiếng nhưng không đau họng: Việc điều trị khá khó khăn do tính đặc thù của nguyên nhân gây bệnh.
- Khàn tiếng do trào ngược dạ dày thực quản: Cần điều trị dứt điểm bệnh dạ dày, đồng thời sử dụng các thuốc điều trị khàn tiếng để đẩy lùi bệnh.
- Khàn tiếng do suy giáp: Việc cần làm là chữa bệnh suy giáp theo chỉ định của bác sĩ đầu tiên, Khi nguyên nhân được khắc phục thì vấn đề khàn tiếng cũng được cải thiện.
- Khàn tiếng do khối u hoặc polyp dây thanh âm: Việc sử dụng thuốc để khống chế khối u hay phẫu thuật cắt bỏ có thể được áp dụng. Tuy nhiên, cần tuân theo chỉ định của bác sĩ chứ không thể tự ý quyết định.
- Khàn tiếng do một số bệnh ung thư: Bệnh phức tạp và nguy hiểm nên được ưu tiên điều trị hàng đầu thay vì triệu chứng khàn tiếng. Việc điều trị phức tạp nên cần thăm khám và hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra khi bị khàn tiếng, nên hạn chế uống nước lạnh hay ăn đồ ăn lạnh ( kem, sữa chua,..), uống nước ấm để việc điều trị có hiệu quả hơn.
Đối với khàn tiếng nhưng không đau họng, nguyên nhân khá phức tạp và nguy hiểm. Nên nếu như gặp tình trạng khàn tiếng không rõ nguyên nhân từ 2 tuần trở lên thì nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và được hướng dẫn điều trị để cho hiệu quả tốt nhất.
Y Sĩ Phạm Thị Ngọc Ngân tốt nghiệp loại giỏi trường Trung Cấp Y Tế Bắc Giang năm 2013 là một người am hiểu về các bệnh dạ dày, thận hiện tại đang là tác giả, chịu trách nhiệm nội dung các bài viết liên quan tới bệnh dạ dày và thận trên trang cuusaola.vn