Khạc đờm ra máu tươi là triệu chứng của một số bệnh lý, trong đó đa số là những vấn đề nguy hiểm. Bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh gây những biến chứng nguy hại đến sức khỏe người bệnh, thậm chí gây tử vong.
Mục lục:
Triệu chứng khạc đờm ra máu tươi là bệnh gì?
Khạc ra máulà hiện tượng đờm bật ra khi ho gắng sức, trong đờm có lẫn máu. Đờm lẫn máu có thể màu đỏ tươi hoặc hồng nhạt, cũng có thể là bọt hồng. Lượng máu theo đờm có lượng nhiều hoặc ít. Đây là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau.
Một số bệnh gây ra triệu chứng khạc đờm ra máu tươi là:
Lao phổi
Đây là bệnh lý thường gặp gây ra ho khạc đờm ra máu. Ngoài triệu chứng trên, người bệnh còn kèm theo các biểu hiện như: Ho kéo dài, ăn ngủ kém, người mệt mỏi, bệnh nhân sụt cân nhanh chóng, sốt về chiều và đêm, mồ hôi trộm.
Lao phổi là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan, tuy trước đây đã được khống chế nhưng đang có xu hướng quay lại. Vì vậy, người bệnh có các dấu hiệu trên cần phải được thăm khám và điều trị sớm. Chẩn đoán xác định bệnh lao phổi bằng xét nghiệm đờm và tìm tổn thương trên phim X-quang.
Giãn phế quản
Giãn phế quản là hệ quả của các bệnh gây tổn thương thành phế quản, tình trạng nhiễm trùng và đọng dịch nhầy ở thành phế quản. Các bệnh gây nhiễm phế quản có thể gặp là: Lao, ho gà, sởi, nấm phổi.
Các triệu chứng điển hình của giãn phế quản bao gồm: Ho trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, ho khạc đờm ra máu tươi, đau tức ngực, người mệt mỏi, móng tay, móng chân dày lên.
Trong đợt bội nhiễm bệnh nhân khạc đờm nhầy mủ, sốt. Giãn phế quản nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhân có thể ho khạc ra máu tươi kéo dài hoặc lượng nhiều dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng. Chẩn đoán xác định giãn phế quản bằng hình ảnh chụp phế quản cản quang, chụp cắt lớp vi tính có độ phân giải cao.
Ung thư phổi
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính gây ra ho khạc ra máu. Những người hút thuốc là kéo dài trong nhiều năm, người làm trong môi trường độc hại nhiều khói bụi và hóa chất… đều là những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư phổi.
Triệu chứng bệnh thường âm thầm, tiến triển lặng lẽ. Người bệnh có các dấu hiệu sau: Đau tức ngực, ho khạc đờm kéo dài, ho khạc máu, gầy sút cân, sốt. Chẩn đoán bệnh bằng các cận lâm sàng như X- quang phổi, CT ngực, sinh thiết khối u.
Các nhiễm trùng ở đường hô hấp khác
Các bệnh lý viêm phổi cấp, viêm phổi hoại tử, abces phổi, nấm phổi cũng là nguyên nhân gây ra ho khạc đờm ra máu. Để chẩn đoán xác định các bệnh lý này, bác sỹ cần khai thác cụ thể tiền sử, lâm sàng của bệnh nhân và ra chỉ định cận lâm sàng phù hợp.
Bệnh lý tim mạch
Suy tim, hẹp van 2 lá, phù phổi cấp cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng khạc đờm ra máu.
Các nguyên nhân do chấn thương lồng ngực
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây khạc đờm ra máu, bác sỹ cần tìm hiểu tiền sử, bệnh sử của bệnh nhân cặn kẽ, chỉ định các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh phù hợp.
Khạc đờm ra máu tươi
Những bệnh nhân gặp hiện tượng khạc ra máu tươi thường sẽ đi kèm các triệu chứng khác như: ngứa rát họng, đau ngực, nóng rát sau xương ức. Đờm lẫn máu có thể có màu đỏ tươi hoặc hơi hồng rất dễ phát hiện. Đây là triệu chứng của những bệnh khác nhau.
Tuy nhiên, cần nhanh chóng xử trí khi gặp phải tình trạng bệnh, đặc biệt là khi ra máu lượng nhiều vì dễ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và làm cho người bệnh cảm thấy hoang mang.
Khạc đờm ra máu tươi thường gặp ở những bệnh lý cấp tính như: Nhiễm trùng đường hô hấp trên (viêm mũi, viêm họng, viêm amidan), nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
Khạc đờm ra máu đông
Khạc đờm ra máu đông hay còn gọi là máu bầm là tình trạng người bệnh khạc đờm mà trong đờm có lẫn cục máu đông hoặc máu màu đỏ thẫm. Ngoài ra cũng gặp trong đờm có tia máu nhỏ nằm rải rác, khó phát hiện nên người bệnh thường bỏ qua dấu hiệu này.
Khạc đờm có máu bầm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân thường gặp tại đường hô hấp là bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính ( COPD), ung thư vòm họng, lao phổi, tràn dịch màng phổi, giãn phế quản…
Bệnh nhân khạc đờm có lẫn máu cục hoặc tia máu, xuất hiện vào buổi sáng. Triệu chứng kèm theo: Khó thở nhiều, đau tức ngực, khạc đờm máu có lẫn nhầy mủ. Nguyên nhân ngoài đường hô hấp do bệnh nhân mắc các bệnh về đông cầm máu dẫn đến dễ bị chảy máu.
Khạc đờm ra máu có nguy hiểm không?
Như đã nói ở trên, khạc đờm ra máu là triệu chứng của nhiều bệnh lý, trong đó có cả những bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. Nếu người bệnh chủ quan không được thăm khám và điều trị kịp thời, sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Ho khạc ra máu lượng ít và mạn tính gây hội chứng thiếu máu ở bệnh nhân. Với lượng lớn, triệu chứng này có thể dẫn tới tử vong. Do vậy, cần phát hiện sớm và điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.
Cách giảm khạc đờm ra máu tươi, máu đông
Khạc đờm ra máu cần được khám và điều trị từ bác sỹ. Tuy vậy, người bệnh cũng nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để cải thiện tình trạng này.
- Sử dụng những thực phẩm tốt cho người bệnh: Mật ong, ngó sen, mộc nhĩ, đường phèn, giá đỗ, rau củ tươi.
- Uống đủ nước mỗi ngày: Nước giúp làm loãng đờm. Người bệnh khi khạc đờm không cần gắng sức.
- Tránh các thực phẩm cay nóng, thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ vì dễ gây tăng dịch nhầy ở cổ họng.
- Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, café.
- Hạn chế tối đa môi trường có khói thuốc lá, sơn, hóa chất: Đây đều là những tác nhân làm trầm trọng thêm tình trạng khạc đờm ra máu.
- Giữ vệ sinh vùng mũi họng sạch sẽ: Ngăn ngừa tác nhân vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp, cải thiện tình trạng đờm nhiều.
- Có các bài tập vận động phù hợp: Người bệnh có thể tập các bài tập vận động, tập thở để nâng cao thể trạng cũng như tốt cho hệ hô hấp. Tuy nhiên, trong đợt cấp của bệnh, không nên vận động quá sức.
Khạc đờm ra máu tươi là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Bệnh nhân cần đến khám và điều trị tích cực, phối hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, an toàn. Việc kiểm soát bệnh là hết sức cần thiết, tránh được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, mang lại cho người bệnh tình trạng sức khỏe tốt nhất.
Y Sĩ Phạm Thị Ngọc Ngân tốt nghiệp loại giỏi trường Trung Cấp Y Tế Bắc Giang năm 2013 là một người am hiểu về các bệnh dạ dày, thận hiện tại đang là tác giả, chịu trách nhiệm nội dung các bài viết liên quan tới bệnh dạ dày và thận trên trang cuusaola.vn